Tiếng gió xào xạc, hương bồ đề ai đó hút lén ngoài ban công tạt vào, Lam chặc lưỡi thò đầu ra cửa sổ, cốt để tìm hiểu xem cao nhân nào hút lén mà còn chọn đầu ngọn gió. Hóa ra là hai người trẻ, mặt mũi nhìn cũng sáng sủa nhưng chắc là nhiều tâm sự lắm nên mới lôi nhau ra ban công đầy gió mà hút cho cả thiên hạ biết. Cả hai đang bận “phê” lên tới trên mây rồi nên cô có nói cũng chẳng ích gì. Thôi thì lại cắm mặt vào laptop lo chuyện của riêng mình.
Vậy là Lam ngồi đồng ở quán này được gần một tuần. Thời buổi công nghệ, cô cũng lăn ra làm phờ-ri-len-xơ (freelancer), ngồi đâu miễn như có bàn ghế đàng hoàng, wifi, điện đùng đầy đủ, là cứ thế làm việc kiếm tiền nóng. Cô nghỉ công việc chính, ngồi dịch tạm mấy cái tài liệu để kiếm cơm qua ngày, đợi ngày “xê dịch” ra khỏi Sài Gòn.
Chợt Facebook báo kỉ niệm cũ, về một quán có tên là Katynat. Cô giật mình, quán cô đang ngồi đây, cũng tên là Katynat, trên đường Đồng Khởi. Hẳn là ông trời biết trêu người.
Cách đây 2 năm, trong một chuyến công tác ra Đà Nẵng, Lam từng ghé lại quán cà phê tên Katynat. Thời điểm đó, cô vừa mon men sang tuổi 24, nói lớn thì cũng chẳng lớn, nhưng nhỏ thì không. Cô bương ra đời sớm hơn nhiều bạn bè cùng lứa, không phải vì gia đình khó khăn gì, mà do tánh cô không thể ngồi yên một chỗ gò mình làm con ngoan trò giỏi. Cô vừa học vừa làm nên từ trước khi ra trường đã có một ‘nhúm’ kinh nghiệm con con để lận lưng.
Sau khi tốt nghiệp, cô cứ thế mà lao mình vào bất cứ vị trí nào có thể “dạy” cô thêm nhiều thứ. Vậy là cô bén duyên với nghề sale trong một công ty Đức. Những chuyến công tác trong nước mỗi lúc một nhiều, khách hàng không chỉ gói gọn trong vành đai của Sài Gòn nữa, cô mở rộng thị trường của mình ra tới những khách hàng ở những khu vực xa hơn.
Đà Nẵng lúc đó còn là một thị trường mới mẻ, nhiều cơ hội nhưng cũng lắm gian nan, vậy là cô và một anh đồng nghiệp được cử đi dò thám thị trường và gặp gỡ một số khách hàng tiềm năng trong chuyến công tác ngắn ngày.
Sau hai ngày làm việc dài lê thê, đặc biệt là phải di chuyển dưới thời tiết tháng 10 với những cơn mưa phùn tối trời tối đất của Đà Nẵng, hai anh em có được một buổi tối thảnh thơi để đi dạo một vòng thành phố nhỏ này.
Lam vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lạnh tê tái khi ấy, hai anh em đèo nhau trên con Honda thuê tạm, rong ruổi quanh những con đường đêm ướt mưa. Cả hai băng qua cầu Rồng rực rỡ những ánh đèn, gió sông thổi tạt vào người, vừa lạnh mà vừa đã. Lần đầu tiên, cô được biết quê Nội mình đẹp như vậy.
Cô mở điện thoại lên kiểm tra tin nhắn, rồi cười nhẹ đút lại vào túi áo. Vẫn không có một tin nhắn nào từ cậu – người bạn trai đã cùng cô đi qua quãng đời sinh viên giông gió. Chắc là cậu bận, chắc là cậu quên. Ừ, chắc là cậu đã quá tin tưởng cô tới mức chẳng cần hỏi han cũng biết cô ổn.
Trời càng lúc càng lạnh, hai anh em ghé một quán ven đường làm hai tô bún bò bự chảng. Bụng đã no căng, và mắt đã díp lại, nhưng Đà Nẵng đẹp quá, cô chưa muốn quay về. Ông anh đành uể oải đèo con em đi thêm một vòng nữa.
Lúc xe chạy ngang một quán cà phê nhỏ, Lam khèo anh bảo vào làm ly cà phê đá cho ấm người đặng tối nay dễ ngủ. Vậy mà anh cũng hưởng ứng, thiệt chỉ toàn người kì lạ chơi với người kì lạ.
Thế là họ tấp vào Katynat. Lúc ấy đã hơn 8 giờ tối, và quán đã gần kín người. Họ chọn góc bàn gần mé cửa, có thể nhìn thấy bao quát toàn quán. Những chiếc bàn gỗ và ghế gỗ cũ kĩ tạo nên âm thanh cót két rất khẽ mỗi khi ai đó cựa mình. Trên mỗi bàn có để một hủ nến nhỏ và một bình hoa nhỏ cắm vài nhành hoa chẳng biết tên.
Hai người gọi hai ly cà phê đá ra, khuấy leng keng giữa không gian nửa tối nửa sáng, xen lẫn tiếng người thì thầm trò chuyện với nhau và mùi khói thuốc thoang thoảng. Chợt mọi người im lặng rồi hướng ánh nhìn về phía khoảng sân khấu nhỏ sâu bên trong quán, một chú đàn guitar và một cô ca sĩ trẻ bắt đầu đêm nhạc của mình.
Cô mở điện thoại ra kiểm tra lần nữa, vẫn không có gì. Cô quyết định tắt chuông và đút nó sâu vào đáy túi xách, dặn lòng sẽ không nhìn ngó gì đến nó từ giờ cho đến khi về lại Sài Gòn.
Cô ca sĩ trẻ hát dăm ba bài nhạc mới, Lam không tập trung nghe được cô ấy hát gì, hồn phách thả đâu đó về lại trong những kí ức chưa cũ nhưng cũng chẳng còn mới. Dạo còn là sinh viên, cô hay đi hát nhạc acoustic cho những quán cà phê phong cách tương tự như Katynat, nhưng là ở Sài Gòn. Không gian cũng y như vậy, cũng đầy kín người, cũng tiếng khuấy nước leng keng và mùi thuốc lá thoang thoảng, rồi mọi lời thì thầm bỗng im bặt khi tiếng đàn nổi lên, và cô bắt đầu cất lời hát.
Âm nhạc lúc nào cũng chạm vào cô theo cách của nó, không sâu tận trong tâm hồn, nhưng nó hòa nhịp cùng cô, để cô thấy mình không là kẻ duy nhất rên rỉ.Côthích dằn vặt mình, vì nó cho cô cảm giác an toàn.
Cô sợ sự đổi thay, sợ những mới mẻ, sợ tất tần tật những điều gì bên ngoài bản thể mình. Nên, từ bao giờ, cô chỉ là kẻ đi hát tình ca, cho người yêu người mà thôi. Giống như lời của cô Chuối viết trong cuốn Amurita: “Giữa tâm hồn cô và ngôn ngữ của cô có một khoảng cách không thể lấp đầy.”
Cô vì không thể lấp đầy, nên mới chọn cách hát ra cho nhẹ lòng.
Bất chợt tiếng guitar độc tấu của chú đàn sĩ kéo Lam về lại khỏi những hồi tưởng, cô nghe rõ mồn một từng tiếng gảy đàn ray rứt.
“Chú này đánh đàn chất quá, nghe cứ nôn nao hết lòng anh ơi,”cô nói nhỏ đủ để anh đồng nghiệp nghe. Anh quay sang bảo cô vậy sao còn không lên hát vài bài hả “ca sĩ”?
Lam cười. Nhiều cảm xúc hỗn loạn, nửa muốn hát cho bung hết bức bối, nửa lại muốn lặng thinh.Khi trời đã về khuya và quán thưa khách dần, cô ca sĩ cũng xong phần trình diễn và lục đục chuẩn bị về. Chú đàn sĩ hỏi quanh có ai muốn hát gì thì chú đàn cho.
Không biết lúc ấy trời xui đất khiến thế nào, Lam lon ton đi lên ghế ngồi, hỏi chú đúng một bài “Nếu một mai em sẽ qua đời” của Phạm Duy.Chú nhìn cô như có vẻ hỏi, con có chắc không. Rồi chú nói:
“Bài này lâu rồi chú không đánh. Xưa quá nên chẳng mấy ai còn hát nữa. Để chú dạo một lần thử rồi con vào nghe.”
Tiếng đàn chú cất lên và cô bắt đầu hát. Đêm đó Lam vừa hát vừa khóc.
Lúc cô hát xong, chú tần ngần vẫn chưa muốn dứt. Chú bảo, giờ ít người trẻ chịu nghe nhạc Phạm Duy. Mà nghe rồi lại còn hát đẹp và nhiều cảm xúc như vầy, lần đầu tiên chú thấy.
Cả hai chào chú ra về, chú bảo bữa sau nhớ quay lại để chú đàn thêm cho hát. Nhưng mà, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cô hát bài hát ấy. Chỉ vì tiếng đàn của chú đủ để cô mong mỏi được trải cho hết tâm can.
Giữa năm đó, Lam chia tay Hoàn, mối tình đã theo mình suốt từ thời sinh viên. Cô vẫn nghĩ, chính cái đêm ở Đà Nẵng đó, cô đã khóc trọn lòng mình một lần chót cho mối nhân duyên không hồi kết. Hẳn đó là điềm báo, cũng có thể là vì sự cô độc của cô đã quá nhiều, tới mức tràn ra khỏi những níu giữ của yêu thương.
Cô đã trốn chạy chính mình, cố làm ngơ cảm xúc của bản thân, cố thủ trong mối tình của tuổi trẻ bao năm vun vén. Cô sợ nếu từ giã yêu thương này, mình sẽ không đủ sức để bơi qua đoạn đường dài tương tự một lần nữa. Có những buổi sáng, cô ước gì mình đừng thức dậy, cứ nằm đấy, chìm thật sâu. Sao chúng ta có thể cô đơn cùng cực trong một mối quan hệ đến như thế được? Rồi cô nghĩ, hay là mình cứ cố gắng thêm một chút nữa, và lại một chút nữa, chắc là người sẽ kịp lớn lên để hiểu mình.
Nhưng mà, thời gian không chờ đợi được người, cô cũng không chờ đợi được người. Hôm nói lời chia tay, cậu như người mất hồn, chẳng hiểu mình đã làm sai điều gì.
Hoàn chẳng sai điều gì, cô cũng chẳng đúng, để chấm dứt một chuyện tình, đâu cần phải có người đúng kẻ sai. Chỉ cần một người không còn tha thiết đi chung con đường nữa, vậy là chia tay.
Khi đó, cậu còn nhắc đi nhắc lại với cô, sẽ chẳng có người khác có thể thương cô được nhiều như cậu, và chấp nhận con người cô như cậu đã học cách chấp nhận.
Có lẽ là vậy thật. Sẽ chẳng ai đủ thời gian và chân thành để đáp lại lời kêu ca của cô mọi lúc mọi nơi có thể. Nhưng cô vẫn phải tiếp tục bước, tiếp tục là chính mình, thậm chí khỏa lấp cả những phần cô đã từng nghĩ mình cần có người bù đắp.
Có lẽ cô không thực sự cần đến vậy, cô đã quá đủ cô đơn cho riêng phần mình. Cô không muốn tiếp tục cảm thấy cô đơn triền miên trong chính mối quan hệ của mình nữa. Cái đêm ở Katynat và bài hát kia, như một nhịp gõ vào tâm cô, đánh thức cô khỏi cơn ngủ dài.
Cô vẫn còn nhớ như in, lúc buông những lời phũ phàng với Hoàn, cô chẳng hề khóc. Lòng cô cạn và mặt cô ráo hoảnh, tựa như đó là chuyện hiển nhiên. Ấy vậy mà vẫn có gì đó bức bối đè nén trong người mà Lam không thể nào lý giải được.
~*~
Lam lăn trọn những ngày cuối cùng của tuổi 24 trong trơ trọi và chênh vênh bước sang 25.
Benjamin Franklin từng có câu: “Some people die at 25 and aren't buried until 75”.Có thể hiểu rằng: “Có những người chết đi vào năm 25 tuổi nhưng chẳng hề được chôn cất mãi khi họ đến tuổi 75.”
Lam biết cách tận dụng thời gian của mình tới mức không có bất kì thời gian thừa nào để cô nghĩ ngợi vớ vẩn. Côngviệc mới tại một văn phòng đại diện cho cô cơ hội đi đây đi đó nhiều hơn. Cô có nhiều mối quan hệ xã giao hơn và nhiều tiệc tùng để tham dự. Lam trú chân trong những nhịp cười đi vay đi mượn, đè nén đi cái bất an đang cố thủ trong tâm mình.
Mọi thời điểm trong ngày đều được khỏa lấp bằng rất nhiều các hoạt động khác nhau, để rồi cuối ngày, Lam đủ mệt nhoài mà chìm ngay vào giấc ngủ, chẳng mộng mị. Mọi thứ dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng không, mỗi lúc nỗi bất an càng lớn dần, cho đến một ngày tháng 11, năm 25 tuổi, cô đã cảm nhận mình chết đi rất lặng lẽ.
Lúc đó, cô vừa xong chuyến công tác bên Myanmar. Máy bay đáp xuống Tân Sân Nhất chưa đầy 5 phút là Sài Gòn quyết định đổ cơn mưa tầm tã (lại mưa) để chào đón cô.
Lỉnh kỉnh vác hết mớ đồ từ chuyến công tác dài ngày về căn gác trọ của cô bạn đã hẹn từ trước, Lam quyết định không về nhà ngay, mà ở bên ngoài một hai hôm rồi đi tiếp sang Cambodia theo dự kiến.
Cô bạn đi về Đà Lạt, để lại chìa khóa cho Lam vào nhà. Căn gác trọ nằm ngay trên con đường lớn giữa trung tâm Sài Gòn, ẩn trong khu nhà cũ vẫn còn được giữ nguyên từ thời Pháp thuộc. Cô chọn trọ lại nơi đó, vừa tiện đi lại giải quyết một số công việc còn tồn đọng trước khi khởi hành chuyến tiếp theo, vừa dành những ngày riêng tư của mình ít ỏi của mình với Sài Gòn.
Từ lúc xuống máy bay, cô đã cảm thấy trong người không khỏe nhưng cô ỷ y, cứ mặc kệ những tiếng kêu gào của cơ thể, và lao vào làm việc tiếp cho tới khi cơn sốt ập đến. Đầu óc cô lúc đó như có ai lấy búa gõ liên hồi, mồ hôi vã ra và cơ thể dần kiệt sức.
Cô nằm mê man một mình giữa căn gác trọ, chẳng nhấc nổi tay chân để làm bất cứ điều gì.
Cô nghĩ đến gia đình đang đợi cô ở nhà, họ sẽ sẵn sàng đáp lại mọi lời cầu cứu của cô bất cứ lúc nào. Cô nghĩ đến bạn bè, những người mà cô chỉ cần nhấc điện thoại lên, bấm một cái tin khẩn, là họ sẽ chạy bay đến ngay để mua thuốc cho cô.
Nhưng rồi cô quyết định tắt điện thoại, không gọi bất kì ai, vì ngay cả mong muốn được sẻ chia cô cũng không còn tha thiết. Giữa cơn mê man, cô thấy hình dạng sự cô độc của mình tròn trịa một khối, chỉ có cô và nó, không một ai khác có thể chạm vào.
Cô đối mặt với một trong những thời điểm chênh vênh nhất của cuộc đời, khi bản thân đặt ra những hoài nghi rất vô căn cứ về ý nghĩa sinh mạng mình.
Cô đang làm gì với cuộc đời mình? Cô phải làm gì để những ngày tháng còn lại không trở nên vô nghĩa? Cô phải làm gì để thấy mình không thảm hại khi chờ đợi từng giọt của yêu thương rơi rớt từ tâm hẹp của lòng người? Cô phải chọn điều gì để không phải là sống mà chấp nhận một cuộc đời đã chết?
Lam cứ nằm ở đó, bất động, chẳng còn có thể đè nén được những tiếng gào thét trong lòng mình. Vậy rồi nước mắt ở đâu tự động lăn dài.
Cô nhận ra mình không có gì trong tay ngoài những mảnh vỡ sót lại của đam mê, của tình yêu. Cô nhận ra mình không đủ dũng khí để theo đuổi sự nghiệp yêu thích nên mới phải gò mình vào những khuôn mẫu của xã hội. Không nhiều can đảm để bước ra khỏi gia đình. Và không nhiều dũng cảm để yêu thương chân thành một lần nữa.
Giữa cơn sốt mê man, Lam như chợt bừng tỉnh, nhận ra mình phải sống một lần cho đáng một đời người. Đáng như thế nào, thì cô gái ở tuổi 25 ấy không thể giải thích được, cô chỉ biết mình đã bắt đầu bằng việc thừa nhận những nỗi sợ trong lòng thay vì cố khỏa lấp chúng. Cô hiểu ra mình phải rơi đến tận đáy của những cô đơn này, rồi mình mới đứng lên được.
Có lẽ, mọi thứ diễn ra đều có lý do mà phải mất rất lâu chúng ta mới đủ trải nghiệm để có thể hiểu cho cùng tận.
Lam đã nhận ra mỗi cô gái đều chọn cho mình một con đường để lớn lên, để trưởng thành, và trở nên đẹp đẽ. Mỗi cô gái đều tìm cho mình một niềm an ủi nhỏ nhoi, một chút hạnh phúc để có thể tỏa sáng. Mỗi cô gái đều lấp lánh hơn chỉ cần biết có một người nhìn mình. Cô đã chọn đi rất cô độc. Cô chọn cách nghĩ chẳng ai nhìn mình. Để không nhất thiết phải tỏa sáng hay lấp lánh, để cô được là chính cô mà thôi.
Sau cái đêm đó, cô không còn tránh né những tiếng nói trong lòng mình, cô chọn từ bỏ công việc mình vốn không yêu thích dẫu nó có cho cô tiền bạc và danh vị thế nào. Cô chọn không nhìn quanh xem những người khác đã tiến xa đến đâu trong cuộc đời họ, cô chỉ tập trung vào sống cuộc đời mình, vừa vặn với lòng mình.
Cô bắt đầu làm lại từ những bước đầu tiên, bởi khi chẳng có gì trong tay nữa, mới là lúc ta sẵn sàng để có tất cả.
Những tháng ngày em sống an nhiên Chẳng một lần lật giở lại những trang viết cũ Có ích gì đâu những mối tình đã yên ngủ Khơi sóng lòng, để cuồn cuộn...cho ai? Những tháng ngày em sống vì tương lai...
Mip
Comments