Yêu thương hay ghét bỏ, nhiều khi chẳng cần phải có lý do. Tự trong con người mình cũng có thể toát ra cái khí chất làm cho người khác không ưa được.
Cái lý luận này là của một cậu bạn – người vẫn chơi rất tốt với tôi thời đại học. Mãi đến lúc gần tốt nghiệp, cậu mới thẳng thắn bảo, từ lần đầu gặp nhau, cậu đã thấy ghét tôi, đến tận bây giờ gần tốt nghiệp, cậu vẫn còn thấy ghét.
Ban đầu nghe cái lý luận trời ơi đất hỡi đó, tôi nhăn nhó khổ sở vì không hiểu ra được. Mãi về sau, tôi mới dần thấm thía. Làm bạn với nhau lâu dài, vốn không phải hợp nhau ở mọi điểm, mà là dù có ghét tụi nó cỡ nào, vẫn chấp nhận được nhau. Thế nên trong tình bạn, và thậm chí cả tình yêu, thương và ghét là hai phạm trù đôi khi rất nhập nhằng.
Chuyện là, một ngày cuối tuần của tháng sáu cách đây 5 năm, tôi ngồi loay hoay với mớ tài liệu ở quán cà phê quen thuộc. Điện thoại chợt hiện lên cuộc gọi đến với số máy lạ hoắc lạ huơ. Tôi thờ ơ bấm trả lời, đầu dây bên kia vang lên chất giọng quen thuộc mà đã lâu rồi tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ được nghe lại.
“Mày hả? Đang ở đâu đó? Trưa nay có đi ăn với tụi tao không?”
Suýt chút nữa thì tôi đánh rơi điện thoại.
“À, ừa, tao không chắc nữa, tao đang bị công việc dí quá nên phải ngồi làm cho xong.”
“Rồi mày không ăn trưa à?”
“Ờ ờ…để tao coi tình hình sao đã rồi báo mày vậy.”
Cuộc hội thoại ngắn gọn. Tôi đưa tay véo má mình để chắc rằng đó không phải là một trong những giấc mơ cũ kĩ. Giấc mơ từ những ngày cái đầu trẻ còn nóng nảy, không thể hiểu được câu chuyện nhân duyên.
Tôi và Ve chơi thân với nhau từ những năm đầu đại học. Cái kiểu những đứa trẻ có chung sở thích, chẳng ngại chửi lên đầu lên cổ nhau, mà vẫn bên cạnh nhau mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh cần thiết hay thậm chí chẳng cần gì chúng cũng vác mặt tới để cho đời bạn thêm chút sắc màu.
Trong đám tụi tôi có 10 đứa, 5 trai, 5 gái nhưng chẳng có đứa nào yêu nổi đứa nào. Năm đầu tiên cả đám gặp nhau, chúng tôi vẫn còn là cái đám lơ ngơ, nhiều đứa từ dưới quê mới lên, mấy đứa còn lại sống ở Sài Gòn, cả đám chạm mặt nhau ở cái làng đại học dưới Thủ Đức.
Đám có quê ở xa thì thuê nhà trọ gần quanh trường, hoặc ở trong khu ký túc xá dưới Thủ Đức. Đám con nhà thành thị, thì cứ tờ mờ sáng, lúc trời còn chưa hửng nắng, gà chưa buồn gáy, sương còn giăng kín lối, đã phải mắt nhắm mắt mở chen chúc nhau trên cái xe buýt số “S09” để kịp lên trường dự lớp 7 giờ sáng.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi phải đi học sớm như vậy, rõ ràng là đứa nào cũng ngồi trong giảng đường mà cái đầu vẫn còn đắp chăn ở nhà. Não chưa hề đủ tỉnh táo để dung nạp được bất cứ tinh hoa gì nổi lúc đó.
Cả đám chúng tôi lăn lê bò lết hai năm liền ở Thủ Đức, ngày học từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Buổi trưa chúng tôi thường xuyên ra mua cơm sinh viên, một hộp 10 nghìn ăn bao no. Bữa nào không ăn cơm sinh viên thì đi ăn sang ở quán mì xào bò, ốp-la bò trứng các kiểu, giá tận 20 nghìn. Thời đó nói chuyện ăn cái gì lên tới 20 nghìn là thuộc hàng “sang chảnh” lắm rồi, làm gì có chuyện ra mua ly trà sữa hay uống Starbucks gần cả trăm nghìn như bây giờ.
Hai năm đầu đại cương, tôi còn ráng tập trung học hành, nhưng học hoài mà cũng không hiểu là mình áp dụng vào được cái gì, nên càng học tôi càng hoang mang tột độ với mớ kiến thức nạp nay mai quên ngay.
Vậy rồi một ngày nào đó, trong chuỗi ngày của tuổi trẻ bồng bột, tôi đã thử bung, bung bởi tất cả những nguyên tắc, những quy định, những mục tiêu. Tôi bung để được hít thở, cái bung của một đứa đầy những gàn dở và bất mãn với lề lối, nề nếp, định hình. Ví dụ như: khi cơ thể đòi được ngủ, tôi có thể bỏ dở đống bài vở ngùn ngụt, đống tài liệu cao như núi, để đi ngủ thẳng cẳng, không phải lo xem tính mạng mình ngày mai ra sao.
Tôi chưa bao giờ nghĩ những cơn tuột dốc lại dễ chịu đến như vậy. Tôi thấy thế giới của mình rộng ra hơn một chút vì không còn những giới hạn hay những chuẩn mực. Thấy sự tự do của mình mở ra thêm một nấc, và thấy đôi cánh của mình cũng vì thế mà lớn theo. Trong những năm tháng bồng bột đó, đám chúng tôi vẫn kề vai sát cánh bên nhau, có phúc cùng hưởng, có họa tự chịu.
Hai năm cuối cùng của đại học, lũ tụi tôi chuyên môn “bùng tiết”. Tới độ, giả dụ một ngày đẹp trời nào đó, cả đám quyết định chường mặt tới lớp, là thể nào các thành phần còn lại của lớp cũng ồ lên: “Tụi mày mà cũng đi học nữa hả?”
Chúng tôi thay vì có mặt trong giảng đường, nhìn mấy đứa còn lại nằm ngủ chảy ke đầy bàn, thì lôi nhau ra cà phê, hay ra công viên Hàn Thuyên gần Nhà thờ Đức Bà ngồi đấu láo, bàn chuyện thời sự, tập tành hát hò. Rồi cả đám đua nhau đi kiếm việc làm thêm, đi hát quán cà phê kiếm tiền. Mỗi đứa tự ngồi nhà đọc sách, tự học chứ hiếm khi nào có mặt trên trường.
Thậm chí, có hẳn một số thầy cô trong trường còn không nghĩ lũ chúng tôi có thể tốt nghiệp đường hoàng. Vậy mà vẫn tốt nghiệp, vẫn đi làm công ty, vẫn đi năm châu bốn bể, khổng có đứa nào trở thành thành phần xấu của xã hội (thiệt may mắn).
Lúc đó trong đám, tôi chơi rất thân với Ve. Đi học, đi hát, đi tập nhảy, đi ăn, đi toa-lét cũng đi chung. Ve thích màu xanh lá, nên cái đồ gì của nó cũng phải có màu xanh lá. Nó còn hay đi đôi dép lào lẹt xẹt đế mòn dẹt mà chưa chịu thay, lại hay thích cài băng đô trên đầu, cứ áo màu gì là băng đô màu đó.
Cái ngày tôi chia tay mối tình đầu nghiệt ngã trong đau khổ lẫn nước mắt và…cái gì đó ghê gớm lắm (ở độ tuổi 20, người ta sẽ chỉ thấy mọi thứ quá lên gấp trăm lần thực tế). Tôi chạy loạn lên giữa Sài Gòn, đâm sầm vào xe người lạ, mơ hồ thấy mình không thở được.
Trong khoảnh khắc rối rắm đó, tôi nhắn cho Ve cái tin gọn lỏn. Vậy mà Ve đã chạy đến ngay, để ngồi với tôi trên cái ghế đá giữa công viên Hàn Thuyên. Trời bất chợt đổ cơn mưa rào, Ve lôi cái áo mưa xếp gọn gàng trong ba lô, rồi cả hai trùm chung một chiếc. Ve chẳng nói năng gì nhiều, chỉ ngồi im lặng kế bên tôi, nghe mưa dội xối xả từ trên trời. Vậy mà rồi mọi thứ cũng qua, lòng cũng dịu dàng trở lại.
Tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó của cuộc đời mình, nhờ có những người bạn, và có Ve. Ấy vậy mà, một ngày nọ của chuỗi ngày tôi 22 tuổi, Ve quyết định rời xa tôi, từ bỏ tình bạn, cắt đứt mọi mối quan hệ. Lý do là gì, mãi tôi không thể biết được, vì cô từ chối trả lời. Chỉ gọn gàng buông thỏng một câu: “Tao ghét mày!”
Tôi cứ như thấy mình trở lại là con bé năm 20 tuổi, vừa bị người bạn trai hất tay giữa phố. Trơ trọi và đầu đặc quánh những câu hỏi, đến nghẹt thở. Không thể hiểu được mình đã làm gì nông nỗi để người bạn thân thiết của mình quyết định rời xa.
Lại một lần nữa, tôi đối mặt với khoảng thời gian khó khăn trong đời. Bạn bè không thực sự có tiếng nói chung. Gia đình và sự kì vọng tạo thành áp lực, công việc của đứa mới ra trường không đâu vào đâu. Tình yêu không như mong đợi. Thế là, tôi nhận ra, mình phải thực sự lớn lên.
3 năm sau, Ve quay trở lại. Tôi vẫn thương cô nhiều như thể 3 năm vừa rồi chỉ là một cái chớp mắt, không đủ để tôi vơi đi tình bạn mà tôi có với Ve. Chúng tôi lại trở lại như những ngày còn 19, 20. Có thay đổi chăng là ở nhận thức và sự lớn lên của mỗi người. Chúng tôi đã trưởng thành lên ít nhiều, đều nhận ra những vụn vặt con trẻ ngày nào, rồi cũng phai theo năm tháng. Chỉ còn cái tình là ở lại mãi.
Mọi lý do xưa cũ, tôi đều để cho chúng ngủ yên. Có thể tôi đã làm lỗi, có thể tôi đã tổn thương Ve rất lớn, mà bản thân mình lại quá hời hợt để nhận ra.
Tôi còn nhớ một người bạn từng nói rằng, để duy trì được một mối quan hệ lâu dài thì “tha thứ và lãng quên” là yếu tố tối quan trọng. Vào cái thời khắc quyết định sẽ tha thứ và lãng quên, người ta mới biết được mình có tình cảm người mắc lỗi hay không. Bởi chỉ có thương yêu, người ta mới can đảm mà quên đi lỗi lầm cũ và thứ tha cho những sai phạm mà bên còn lại cố tình hoặc vô ý mắc phải.
Có lẽ, trong lúc ghét tôi nhất, Ve vẫn còn có chút gì đó thương cho cái tình bạn mà chúng tôi đã có. Thương cho cái đứa gàn dở, chẳng giống ai như tôi. Thế nên, Ve quyết định để cho tình bạn này thêm một cơ hội nữa.
Chân thành rồi sẽ bù đắp chân thành. Duyên lành rồi sẽ về bên ta. Tôi xếp tài liệu và bắt máy gọi cho Ve.
Mip
Comments