top of page
Writer's pictureCamellia Taylor

[Tản văn] Đi về phía của cô đơn

Updated: Aug 22, 2019


4 năm trước.


Chuyến bay của tôi đáp xuống sân bay Narita vừa đúng thời gian trong lộ trình, mọi thứ diễn ra suông sẻ và dễ chịu như cái tiết trời tháng 9 ở Tokyo.


Ngày đầu mới đặt chân đến đây, tôi sững sờ trước sự hiện đại và mức độ phát triển của một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Mọi thứ tôi từng tưởng tượng về Tokyo trong suốt khoảng thời gian còn là sinh viên, đều đang thực sự hiện diện trước mắt mình. Tokyo đã từng là một trong những giấc mơ tưởng như xa vời của tuổi trẻ.


Tôi được công ty sắp xếp trọ tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong một cái hẻm gần ga Shinokubo, chỉ cách văn phòng khoảng 15 phút đi bộ.


Ở Tokyo, mọi thứ đều nhỏ nhắn, gọn gàng và sạch sẽ một cách quá đáng. Những dãy nhà nối tiếp san sát nhau, nằm ngay ngắn và tĩnh lặng, y hệt như những bức vẽ trong mấy bộ truyện tranh. Bầu không khí ở Tokyo trong lành một cách bất ngờ, hay chí ít là trong lành hơn một Sài Gòn đầy khói và bụi.


Ngoại trừ những ngày nhốt mình trong văn phòng cùng với các nhân viên khác, tôi hay tranh thủ thời gian rảnh để gặp bạn bè cũ và vài anh chị năm trên từng học cùng trường đại học. Rất nhiều người trong số họ hiện đang sinh sống và làm việc tại rất nhiều vùng khác nhau ở Nhật.


Trong một buổi đi chơi, chị bạn khuyên tôi nên thử ghé đền Asakusa cầu “duyên”. Tôi cười nhạt trên câu chuyện nhân duyên của mình. Thằng bạn đi cùng cũng không ngần ngại cười lớn rồi tuông vào mặt tôi những câu đại loại như: “Nó vô vọng rồi, cầu xin chi nữa. Vô ích!”


Tôi hiểu, nhân duyên vốn là thứ không thể cầu xin là sẽ có, dù có tận tâm đến đâu. Bởi đó là những nợ duyên từ tiền kiếp chúng ta đã tạo, và bây giờ phải trả. Tôi vẫn nhất quyết đến Asakusa một mình. Từ ga Shinokubo gần phòng trọ, tôi bắt chuyến Yamanote hướng thẳng đến Ueno.


Mọi thứ trôi qua cửa kính, từng cảnh sắc xa lạ, những dãy nhà nối nhau tạo nên những tòa tháp bao bọc quanh Tokyo. Tất cả những con người đang ở tại đây, hít chung bầu không khí với tôi, đang ẩn mình tại một trong những “nhà giam đơn sắc”.


Mọi thứ đều toát lên một nét yên bình, cùng một lúc, xen lẫn cả sự hỗn loạn. Thật kì lạ, tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất hòa với nhau. Chính điều đó đã tạo nên một trong những thành phố phát triển và cô đơn nhất thế giới như Tokyo.


Chạm ga Ueno, tôi đổi sang chuyến Ginza mà mấy người bạn hay gọi là chuyến tàu có màu vàng xỉn, cái màu vàng đen đen xấu xấu nhưng cực kì đặc trưng. Tôi mò mẫm trong sân ga, cố để không chọn lộn chuyến. Mọi thứ cũng chẳng mấy khó khăn, tôi đã yên vị trên tàu, đợi thông báo đến ga cuối thì lục đục theo mọi người xuống.


Ở Tokyo, mọi thứ đều được định hướng bằng chuyến tàu, sân ga, cửa ra nào, Đông Tây Nam hay Bắc, rồi thậm chí có cả cửa ra Đông Nam, Đông Bắc rồi hằm bà lằng những tên riêng khác. Chả trách tại sao cái ga Shinjuku có đến hơn 200 cửa ra (thật là một câu chuyện dài kì).


Asakusa nằm ở quận Taito, khu vực phía Đông của Tokyo, mặc dù bị chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá khá nhiều nhưng Asakusa vẫn còn giữ được những dãy nhà theo phong cách truyền thống Nhật bản, vốn là một điểm rất được du khách yêu thích. Tôi chọn cho mình một chút khác biệt hơn những du khách còn lại, đó là đi dạo ra trước đền nhặt lá rẻ quạt.


Tôi không biết đã có bao nhiêu người làm giống mình nhưng thực sự chiếc lá đó là quà lưu niệm đáng lưu giữ hơn bất kì món đồ bán sẵn nào, dĩ nhiên là tôi đánh giá ở giá trị tinh thần. Những chiếc lá có hình dạng như chiếc quạt nan, bé xíu và nhiều ý niệm.


Rồi tôi lang thang mọi ngõ ngách của ngôi đền, đi xa hơn vào khu dân cư với những dãy nhà cũ, ngồi thẫn thờ ở góc đường nhỏ, ăn chiếc bánh cá nhân trà xanh ngon mê li và quyết định đi khám phá thêm nữa những khu vực bên kia sông.


Tôi băng qua những con phố rộng để đến bờ sông Sumida. Giữa con phố sang trọng và hoành tráng, cách vài bậc thang để xuống mé sông, tôi đã thấy thêm một thế giới khác của Tokyo – những người vô gia cư, với đủ loại đồ đạc chất lên chiếc xe đạp, trải báo nằm cô độc. Lũ bồ câu chạy dọc ngang xoắn xuýt. Chúng dạn người như cái lũ chim ở Sài Gòn vậy.



Tôi lẳng lặng bước đi, lòng tự nhủ những cảm xúc rất giản đơn. Đối với tôi, chưa bao giờ có khái niệm thần tượng hóa bất kì ai hay bất kì nơi nào. Ở đâu cũng có những điểm tốt và chưa tốt. Mọi thứ cần phải để lên nhìn nhận ở những khía cạnh rất khác nhau. Mọi thứ đều cần những lý do và câu chuyện dẫn.


Không nơi nào hạnh phúc tuyệt đối, không nơi nào bất hạnh tuyệt đối. Con người cũng vậy, không ai chạm đến điểm cuối cùng của hạnh phúc và cũng chẳng ai thực sự đến đáy của bất hạnh, dù khổ đau là có thật. Nhưng giữa vô vàn lựa chọn, người vẫn có thể chọn niềm vui.


Tôi ngồi thẫn thờ như thế cũng phải vài lần, từ đoạn dọc sông Sumida đến trạm để bắt chuyến tàu ngược về, vẫn như lộ trình cũ mà tua ngược lại. Bên ngoài kia cửa sổ, thành phố dần lên đèn.


Tokyo biến thành thành phố của tiệc tùng và nổi loạn. Âm thanh ồn ào và quen thuộc khi nào trên những con phố ăn chơi của Sài Gòn chợt lùi lại. Trên tàu đầy ắp những người trẻ ăn bận rất quái dị và những công nhân viên chức trên đường về từ chỗ làm. Tôi đoán chừng tất cả bọn họ không một ai có ý định về nhà, bởi tất cả đang háo hức cho một đêm tiệc tùng của tối thứ sáu.


Tôi đặc biệt để ý nhóm mấy cô gái trẻ bận đồ “lollita”, tíu ta tíu tít cười nói nhỏ nhẹ. Cô nào cũng trang điểm rất kĩ càng, trên má tô hai cục màu hồng lè, nổi bần bật giữa nền phấn trắng. Đâu biết sau khi tiệc đã tàn, lọ lem phải chạy về trước 12 giờ rưỡi đêm để kịp chuyến tàu cuối, tôi lại gặp đúng nhóm những cô gái trẻ ấy trước cửa ga. Kẻ đứng tựa tường, người ngồi xổm, xỉn gần như “quắc cần câu”, nói chuyện không đầu đuôi, không ai ăn nhập với ai mà vẫn cười sang sảng. Có cô cười dữ quá lăn cả ra đất, nằm chổng bốn vó lên trời, chẳng còn biết trời trăng mây nước gì nữa, vậy mà cũng lôi kéo nhau lết vào được tới khoang tàu cho kịp cơ hội cuối cùng để về nhà.


Lúc này tôi nhận ra, trên khoang tàu không còn thơm đượm mùi nước hoa nữa mà nồng nặc mùi rượu, hít vô mà muốn xỉn theo. Những nhân viên công sở quần áo lúc tan tầm còn có chút chỉnh tề, nay đã xốc xổ ra hết, có người còn mạnh bạo bán “nuy”, quăng mất áo ở đâu, quăng cả phép tắc thường thấy, tự tin chừa tấm thân trần phân nửa, ngồi vật vờ trên băng ghế. Mặt ai cũng đỏ gay gắt và giọng nói lè nhè. Có người cô độc nằm tựa vào thành tàu rồi ngủ ngon lành, vậy chứ mà bằng một giác quan nào đó rất kì diệu, họ luôn thức dậy và ào xuống đúng trạm của mình.


Tôi cứ lặng lẽ quan sát những gì diễn ra trong cái toa tàu nhỏ xíu, bên ngoài kia, những nhà giam đơn sắc lại nối đuôi nhau trôi qua. Giữa Tokyo, tôi không lạc lõng, dù rất cô đơn. Cái cảm giác lạc lõng chỉ xảy ra khi bạn ở một nơi rất quen thuộc nhưng chẳng nơi nào bạn thuộc về, chẳng một người nào để bạn nghĩ về, chẳng một ai giữa khung cảnh quen thuộc ấy, biết bạn đang ở đâu, và quan tâm bạn đang làm gì. Đó mới thực sự là cảm giác “lạc lõng”.


Tôi lang thang vô định như thế, giữa những con người không hề chung thứ tiếng mẹ đẻ. Cứ đi mải miết đến tận nửa đêm, trên những con phố vắng tênh, cũng chẳng một ai có ý định làm hại tôi, hay đơn giản là họ sợ cả việc làm hại người khác. Sống mà chẳng hề tổn thương nhau, cũng chẳng can hệ gì nhau.


Mọi thứ ở đây đối với tôi đều mới mẻ, chưa có gì là cũ, chưa một kí ức nào nhuốm màu tiếc nuối. Mọi thứ đều mới toanh, mới cóng và nhiều háo hức. Làm sao có thể buồn ở một thành phố mà bạn chẳng quen biết ai.



Vẫn có những lúc lòng bình yên đến lạ và cái khoảnh khắc mà tôi cảm thấy yên bình nhất, có lẽ là lúc tôi đứng dưới tán cây rẻ quạt ở đền, lòng nhẹ tênh và cầu mong những điều giản dị.


Giữa thành phố của cô đơn, tôi nghe rõ hơn tiếng lòng mình, nhận rõ hơn lý mình muốn đi thật xa khỏi tổ ấm. Để biết tôi cần nhiều thời gian và không gian hơn cho phần nào đó trong mình lớn dần lên. Tôi không biết việc đó liệu là tốt hay xấu, nhưng tôi biết chí ít đó là điều mà tôi thuộc về.


Tôi thuộc về chính mình, thuộc về mọi thứ từ khi sinh ra tôi đã sở hữu. Có lẽ, con người ta phải thực sự đi về phía của cô đơn, mới thấy mình tròn vẹn là mình.


Mip

6 views0 comments

Comments


bottom of page